Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kế toán trong quá trình hội nhập
Thông tin kế toán có vai trò quan trọng trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thông tin kế toán thì doanh nghiệp cần chú ý những nội dung sau:
Hệ thống thông tin kế toán (TTKT) có vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô, đặc biệt, trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Vì thế, tổ chức hệ thống TTKT trong các doanh nghiệp (DN) như thế nào có chất lượng phục vụ cho công tác quản lý, cho quá trình ra quyết định là một tất yếu khách quan. Do đó, tổ chức hệ thống TTKT là một nội dung mà hiện nay các DN rất chú trọng và quan tâm. Đặc biệt là, Việt Nam đang từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Với sự phát triển khoa học, công nghệ và thông tin như hiện nay, đòi hỏi việc cung cấp TTKT phải được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đáng tin cậy, để phục vụ cho quản lý và việc ra quyết định. Vì vậy, tổ chức hệ thống TTKT trong các DN có chất lượng là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Mặt khác, mục đích sử dụng và mức độ nhu cầu thông tin của các đối tượng có thể khác nhau, giữa các nhóm trong và ngoài đơn vị song cũng có những điểm chung nhất định. Những điểm chung về nhu cầu TTKT của các đối tượng sử dụng thông tin bao gồm những thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh (HĐKD) và lưu chuyển tiền của một đơn vị kế toán (ĐVKT) nhất định. Do vậy, họ đều có nhu cầu được cung cấp, đọc và hiểu TTKT phản ánh tình hình kinh tế của đơn vị trên các phương diện: Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu; Thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động; Luồng tiền; Các thông tin chung khác.
Những điểm khác biệt về mục đích sử dụng TTKT của các nhóm đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ nhu cầu thông tin tổng quát, chi tiết và chuyên biệt. Nhu cầu về thông tin dạng tổng quát là nhu cầu chung, chủ yếu thuộc về nhóm đối tượng bên ngoài đơn vị và được thỏa mãn thông qua các báo cáo tài chính (BCTC).
Nhu cầu thông tin dạng chi tiết chủ yếu thuộc về nhóm đối tượng bên trong đơn vị và được thỏa mãn thông qua các báo cáo kế toán chi tiết. Nhu cầu thông tin chuyên biệt chủ yếu thuộc về nhóm đối tượng bên trong đơn vị là các nhà quản lý và được thỏa mãn thông qua hệ thống báo cáo kế toán quản trị (KTQT).
TTKT bao gồm những TTKT tài chính và TTKT quản trị. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi đề cập chủ yếu đến TTKT tài chính. Vì TTKT tài chính được rất nhiều đối tượng sử dụng quan tâm.
TTKT tài chính phản ánh một cách tổng quát những thông tin kinh tế tài chính của một đơn vị và nó chủ yếu cần cho mọi đối tượng sử dụng, nó có vai trò rất quan trọng đối với mỗi một đối tượng khi sử dụng để ra quyết định sao cho phù hợp. TTKT tài chính thường được thể hiện dưới các loại sau:
– Loại thông tin thứ nhất, đối tượng sử dụng cần có để đưa ra quyết định là những thông tin phản ánh tình hình tài chính của ĐVKT. Loại thông tin này được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán (CĐKT)- phản ánh tình hình tài chính của ĐVKT, nó liên quan đến nguồn lực kinh tế do ĐVKT kiểm soát, cơ cấu của nguồn lực kinh tế, khả năng đáp ứng của ĐVKT khi môi trường kinh doanh thay đổi, tính thanh khoản và khả năng pá sản của đơn vị. Những thông tin này trợ giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin đánh giá khả năng của ĐVKT, bao gồm những tài sản khác nhau do ĐVKT kiểm soát, số lượng tiền vay từ những đơn vị khác, giá trị nguồn lực được chủ sở hữu đóng góp, thời gian cần thiết để thanh toán các khoản vay…
– Loại thông tin thứ hai, đối tượng sử dụng cần có để đưa ra quyết định là những thông tin phản ánh tình hình hoạt động của ĐVKT. Loại thông tin này được phản ánh trên Baó cáo kết quả HĐKD- phản ánh doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động của đơn vị. Khi xem những thông tin này các đối tượng sử dụng thông tin có thể thấy được khả năng sử dụng tài sản của ĐVKT như thế nào? có hiệu quả không, ĐVKT có kết quả HĐKD như thế nào? Để đánh giá được kết quả hoạt động của ĐVKT người sử dụng TTKT phải hiểu được mục tiêu của ĐVKT là gì. Đối với ĐVKT HĐKD, mục tiêu của nó là lợi nhuận và cần thiết phải cung cấp những thông tin để người sử dụng thông tin đánh giá khả năng sinh lời của đơn vị.
– Loại thông tin thứ ba, các bên sử dụng cần cho việc đưa ra quyết định là những thông tin liên quan đến luồng tiền của ĐVKT. Những thông tin phản ánh luồng tiền vào và luồng tiền ra của ĐVKT trong một thời kỳ nhất định trợ giúp cho các đối tượng sử dụng đánh giá các HĐKD chủ yếu, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính của ĐVKT như thế nào.
Kế toán với đặc điểm cung cấp thông tin một cách liên tục, thường xuyên và có hệ thống tình hình tài chính, tình hình hoạt động và luồng tiền của đơn vị cụ thể. Do vậy, TTKT có vai trò rất quan trọng trong quản lý kinh tế và nó tùy theo từng đối tượng sử dụng, cụ thể:
– Đối với nhà quản trị DN: Họ sử dụng thông tin về kế toán để xác định mục đích kinh doanh, đề ra các quyết định để thực hiện, đánh giá thực hiện mục tiêu và điều chỉnh, nếu thấy cần thiết, để HĐKD của họ đạt hiệu quả cao hơn; vai trò của kế toán trong việc cung cấp thông tin cho các nhà quản trị là nhằm liên kết các quá trình quản lý với nhau và liên kết DN với môi trường bên ngoài.
– Đối với chủ sở hữu: Họ quan tâm đến lợi nhuận, lợi tức sinh ra từ vốn kinh doanh, vì đây là căn cứ để họ đưa ra các quyết định cần thiết, bao gồm cả quyết định phân chia lợi nhuận, lợi tức cho họ. Đồng thời, qua việc xem xét thông tin trên báo cáo kế toán họ có thể đánh giá năng lực trách nhiệm của các bộ phận quản lý ở DN là tốt hay xấu.
– Đối với nhà đầu tư: Họ luôn muốn đầu tư vào nơi nào có tỷ lệ hoàn vốn cao nhất và thời gian ngắn nhất. Do vậy, trước khi đầu tư, họ cần thông tin về tình hình tài chính của DN để qua đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá rồi đi đến quyết định có nên đầu tư hay không.
– Đối với các nhà cho vay và cung cấp hàng hóa dịch vụ: Các ngân hàng, các tổ chức tài chính cũng như các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trước khi cho vay hoặc cung cấp hàng hóa, đều có nhu cầu về thông tin khả năng thanh toán của DN như thế nào; nghĩa là DN hay đơn vị đó có đủ khả năng thanh toán hay không, để có thông tin này thì phải có TTKT cung cấp.
– Đối với cơ quan thuế: Các cơ quan thuế địa phương và trung ương dựa vào tài liệu do kế toán cung cấp để xác định thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt và biết được các đơn vị hay các DN có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước hay không.
– Đối với Nhà nước: Các cơ quan Nhà nước cần số liệu kế toán của các đơn vị, các DN để tổng hợp cho ngành, địa phương và trên cơ sở đó phân tích, đánh giá, nhằm định ra các chính sách kinh tế thích hợp, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô.
Qua trên, chúng ta thấy TTKT có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong quá trình hội nhập hiện nay nó càng trở nên quan trọng hơn. Thông tin do kế toán cung cấp là thông tin phản hồi về đối tượng quản lý. Nếu không có thông tin này, cả hệ thống quản lý kinh tế sẽ bị đình trệ. Mặt khác, nó có vai trò quan trọng đối với các đối tượng sử dụng khác nhau. Đồng thời, kế toán còn hỗ trợ đắc lực cho các công cụ quản lý khác phát huy tốt nhất tác dụng của chúng. Do đó, để TTKT đảm bảo chất lượng và đảm bảo là nguồn thông tin hữu ích đối với các đối tượng sử dụng, thì TTKT phải đảm bảo được yêu cầu thích hợp, tính tin cậy và có thể so sánh được.
Tính thích hợp được hiểu là khả năng của TTKT để tạo ra sự khác biệt đối với các đối tượng sử dụng TTKT. Nói khác là, tính thích hợp của TTKT trợ giúp cho các đối tượng sử dụng đánh giá điều kiện hiện tại, dự đoán tương lai và đánh giá quá khứ.
Tính tin cậy của TTKT được hiểu là TTKT không bị ràng buộc từ tính thiên vị về bất kỳ một đối tượng sử dụng thông tin nào và phải được trình bày, công bố theo đúng yêu cầu đã đề ra.
Tính có thể so sánh được của TTKT cho phép các đối tượng sử dụng TTKT có thể xác định tính tương đồng và khác biệt giữa hai hoặc nhiều đối tượng cần so sánh. Đối tượng được so sánh có thể là giữa kế hoạch và thực tế, giữa các kỳ thực tế của cùng một ĐVKT, giữa các ĐVKT với các ĐVKT khác trong cùng ngành.
Để đáp ứng được yêu cầu TTKT nêu trên, chúng tôi xin trao đổi và nêu một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng TTKT.
Thứ nhất: Nhà nước ta phải có hướng dẫn chi tiết về những quy định trong chuẩn mực (CM) đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán: Phải đảm bảo tính thống nhất giữa Nghị định của Chính Phủ và CM đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai: Hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) và CM đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán phải phù hợp với thông lệ quốc tế. CMKT quốc tế đã đưa ra các khái niệm, yêu cầu, điều kiện và cả những quan điểm chung về tính minh bạch của BCTC.
Thứ ba, Cần hoàn thiện hệ thống BCTC trên các phương diện: Trình bày thông tin tổng quát và chi tiết đảm bảo tính so sánh và phân tích được, vì hiện nay các BCTC có báo cáo thông tin tổng quát, có báo cáo thông tin chi tiết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu so sánh, phân tích như thuyết minh BCTC, báo cáo kết quả HĐKD, nên bổ sung báo cáo vốn chủ sở hữu vì đây là thông tin cần thiết để đánh giá nguồn lực tự có của các ĐVKT, các DN, thông tin mà các nhà đầu tư luôn quan tâm.
Thứ tư, Hiện nay, đang có xu hướng xung khắc và mâu thuẫn trong việc áp dụng theo hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước và hệ thống CMKT, do vậy đã làm sai lệch đáng kể thông tin của kế toán dẫn đến tính minh bạch, trung thực, khách quan không được đảm bảo. Thực tế ở Việt Nam có DN thuyết minh chính sách kế toán ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái theo CM số 10 nhưng thực tế lại làm kế toán theo TT 201/2009, văn bản có mâu thuẫn với CM này. Trình trạng phổ biến là thuyết minh thiếu nhiều nội dung theo yêu cầu của CM và chế độ kế toán (Trích http://www.tin moi.vn). Do vậy, theo quan điểm, việc xử lý thông tin và trình bày thông tin trên BCTC phải tuân thủ theo các quy định và hướng dẫn của CMKT. Hệ thống CMKT, kiểm toán phải do Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán soạn thảo, hoàn thiện và ban hành phù hợp với thông lệ quốc tế. Các văn bản pháp luật về kinh tế tài chính phải do Nhà nước ban hành, là hệ thống các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế tài chính trong nền kinh tế quốc dân.
Thứ năm, Trong giảng dạy khoa học kế toán nói chung, cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc và CMKT đã được thừa nhận vì đây là cơ sở nền tảng để giải thích, phân tích và chứng minh các mối liên hệ trong quá trình thu thập, xử lý, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán. Từ đó, TTKT mới đạt được yêu cầu: Thích hợp, tin cậy và tính có thể so sánh được.
Tóm lại: Để đáp ứng TTKT thực sự được minh bạch, trung thực, khách quan và có chất lượng trong quá trình hội nhập thì nhất thiết phải tuân thủ theo hệ thống CMKT, CM kiểm toán đã ban hành và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất cả thông tin định lượng và định tính của kế toán, kiểm toán đều do con người xử lý và cung cấp thông tin trong quá trình hành nghề. Do vậy, thông tin đó có khách quan, trung thực, minh bạch hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán, phụ thuộc vào sức ép về lợi ích của chủ DN. Chính vì vậy, hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết thực hiện CM đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán là hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.
Theo: Tạp chí kế toán và kiểm toán