Hà Nội: 1900 636 585

TP Hồ Chí Minh: 1900 63 66 89

Đà Nẵng: 023 6222 9308

30 June, 2021

Bản Tin Bảo Hiểm Xã Hội Điện Tử Tháng 6/2021

Thủ tướng Chính phủ: Thúc đẩy tiến độ để sớm ban hành Luật BHYT sửa đổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi

Ngày 18/05/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 113/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19; những vấn đề trọng tâm, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ Y tế:

  • Thúc đẩy tiến độ hoàn thiện để sớm ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả 2 văn bản luật rất quan trọng là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.
  • Phối hợp với các cơ quan liên quan để không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật và các cơ chế, chính sách theo hướng: Ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để phân cấp mạnh hơn đi đôi với tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực vật chất và con người sẵn có, đồng thời huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm khác như:

  • Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cấp bách lúc này là phòng, chống đại dịch Covid-19: Bằng mọi biện pháp có thể và nhanh nhất, hiệu quả để tiếp cận nguồn và mua bằng được vaccine, tổ chức tiêm chủng trên diện rộng sớm nhất cho toàn dân.
  • Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục bằng được tình trạng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; thực hiện thi đua, khen thưởng kịp thời; kỷ luật phải nghiêm minh, đúng người, đúng việc.
  • Công tác tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu và phù hợp với vị trí việc làm, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với người làm việc tại UBND cấp xã

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 108/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã.

Theo đó, hiện nay, các đối tượng Phó Chỉ huy trưởng Quân sự, Phó trưởng Công an và người làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã đang gặp khá nhiều vướng mắc về việc giải quyết thủ tục hưởng BHXH bắt buộc.

Vì vậy, tại Thông báo này, Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ và ý kiến của các Bộ, cơ quan về phương án xử lý giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc với các đối tượng trên như sau:

  • Với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự, Phó trưởng Công an xã có thời gian làm việc từ tháng 11/2003 đến nay: Nếu đã đóng BHXH bắt buộc thì được giải quyết các chế độ BHXH khi đủ điều kiện hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo Luật BHXH hiện hành.
  • Người lao động do UBND cấp xã ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên đã đóng BHXH bắt buộc và tiền lương làm căn cứ đóng là mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động theo chế độ do người sử dụng lao động quyết định: Được giải quyết hưởng các chế độ BHXH nếu đủ điều kiện hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có ý kiến chính thức bằng văn bản về thẩm quyền quyết định phương án xử lý nêu trên và báo cáo trước ngày 20/05/2021. Sau đó, Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.

3 trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến BHYT liên quan đến dịch Covid-19

Tại Công văn số 3100/BYT-BH ngày 20/04/2021, Bộ Y tế đã ban hành các quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT liên quan đến dịch Covid-19.

Theo đó, có 3 trường hợp được xem là KCB BHYT đúng tuyến liên quan đến dịch Covid-19 như sau:

  • Thứ nhất, đối với người có thẻ BHYT đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do Covid-19 phải KCB tại cơ sở KCB BHYT: Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến, trừ chi phí KCB do Covid-19 đã được Ngân sách nhà nước chi trả, bao gồm: Tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Thứ hai, trường hợp cơ sở KCB BHYT phải tổ chức cách ly y tế tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ KCB cho người nghi nhiễm, nhiễm Covid-19, Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
    • Hướng dẫn người đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB đó đến KCB ban đầu tại cơ sở KCB BHYT khác trên địa bàn tỉnh, thành phố.
    • Hướng dẫn cơ sở KCB chuyển tuyến KCB phù hợp với tình hình dịch bệnh.
  • Thứ ba, đối với người bệnh đã được cơ sở KCB kê đơn, cấp thuốc, vật tư y tế, điều trị và đã cấp Giấy hẹn khám lại hoặc Số khám bệnh, Sổ Y bạ hẹn người bệnh khám lại (sau đây gọi chung là Giấy hẹn khám lại), nhưng do dịch bệnh, người bệnh không đến cơ sở đó để khám lại được:
    • Người bệnh được sử dụng Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB đã cấp Giấy hẹn khám lại để đến cơ sở KCB BHYT khác theo hướng dẫn của cơ sở KCB đã cấp Giấy hẹn khám lại và hướng dẫn của Sở Y tế, Cơ quan BHXH trên địa bàn cư trú hoặc nơi người bệnh đang cách ly y tế để được KCB.
    • Trường hợp hết dịch bệnh, người bệnh được sử dụng Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB nơi đã cấp thuốc, vật tư y tế để đi KCB tại cơ sở KCB nơi đã chuyển thuốc, vật tư y tế.

BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và BHYT

BHXH Việt Nam vừa có Công văn gửi Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm tăng diện bao phủ các chính sách này, giúp người khó khăn yên tâm lao động, sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, tại Công văn số 1179/BHXH-TST gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nêu, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số. Trong đó, có hơn 2,5 triệu người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.

Mức hỗ trợ tăng sẽ tạo thuận lợi giúp cho ngày càng có nhiều người dân, nhất là người dân có mức sống trung bình được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT – một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng đồng hành cùng người dân khi ốm đau, bệnh tật để tiếp tục cuộc sống.

Về BHXH tự nguyện, tại Công văn số 1180/BHXH-TST, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Việc tăng mức hỗ trợ nhằm để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động.

Tuy trong những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Do đó, với việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân để mọi người dân đều được tham gia vào lưới an sinh và có chính sách BHXH chia sẻ, đảm bảo cuộc sống khi về già.

BHXH Việt Nam kiến nghị triển khai toàn quốc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID – BHXH số

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 1115/BHXH-TST gửi Bộ Y tế về việc triển khai sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID – BHXH số trong khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc từ ngày 01/06/2021.

Công văn nêu: Từ tháng 11/2020, với sự thống nhất của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH 10 tỉnh, thành phố vùng bị lũ lụt gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB triển khai sử dụng thẻ BHYT trên nền tảng thiết bị di động với ứng dụng VssID – BHXH số (sau đây gọi là thẻ BHYT VssID) tới người lao động và nhân dân trên địa bàn.

Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện đã có gần 10.000 lượt người tại 10 tỉnh, thành phố thí điểm sử dụng thẻ BHYT VssID để khám chữa bệnh. Việc sử dụng thẻ này đã thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, người sử dụng thẻ không phải cất giữ, bảo quản và không lo mất thẻ, quên thẻ như đã xảy ra đối với thẻ BHYT giấy, đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh của cả người tham gia và cơ sở khám chữa bệnh do thẻ có mã QR code được tự động tăng độ phân giải, tăng độ sáng hiển thị làm rõ các thông tin trên thẻ BHYT. Mặt khác, ngoài việc sử dụng thẻ BHYT VssID để đi khám chữa bệnh, người dân cài đặt ứng dụng VssID còn được sử dụng thêm nhiều tiện ích như: Nhận thông tin thông báo khi thẻ BHYT sắp hết hạn, thông báo sắp đến kỳ đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện, thông báo phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT và gửi các thông tin về chính sách mới.

Theo ý kiến của cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan BHXH và người dân, cử tri đánh giá việc sử dụng thẻ BHYT VssID rất thuận lợi và phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Từ thực tế trên để tiếp tục tạo thuận lợi khi khám chữa bệnh, đáp ứng nguyện vọng của người dân, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh BHYT kể từ 01/06/2021 trên toàn quốc.

Từ ngày 01/07/2021: Thay đổi khái niệm Hộ gia đình tham gia BHYT

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/07/2021. Luật này sửa đổi, bổ sung nội dung một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật BHYT.

Cụ thể, khoản 2 Điều 38 Luật Cư trú sửa đổi khoản 7 Điều 2 Luật BHYT năm 2008 như sau: Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Trong khi đó, Luật BHYT hiện nay đang quy định: Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

Như vậy, theo quy định mới, những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình phải là những người: Cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì cùng Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú như trước đây.

Sở dĩ có sự điều chỉnh như trên là do Luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 01/01/2023, chính thức bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, thay bằng việc quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

BHXH Việt Nam nâng cấp phiên bản ứng dụng VssID – BHXH số phiên bản 1.5.3

Nhằm tiếp tục mang lại các dịch vụ, tiện ích phục vụ tốt nhất cho người dân khi cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số, BHXH Việt Nam vừa ra mắt bản nâng cấp ứng dụng VssID phiên bản 1.5.3 trên cả 2 kho ứng dụng (AppStore và Google Play).

Cụ thể, tại bước đăng ký tài khoản, VssID bổ sung chức năng cho phép người dùng đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH ngay trên ứng dụng (ngoài cách thông qua Cổng Dịch vụ công như trước đây).

Tích hợp thêm tính năng hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ BHYT, thẻ căn cước công dân để tự động điền các thông tin về: Mã số BHXH, họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ… thay cho việc nhập bằng tay trong phần khai thông tin đăng ký tài khoản. Tính năng này giúp cho việc nhập dữ liệu cá nhân chính xác và nhanh hơn với cách nhập thông tin thông thường.

Cùng với đó, ứng dụng mới này bổ sung thêm tính năng lựa chọn gửi e-mail tờ khai: Sau khi nhập xong tờ khai người dùng chọn gửi e-mail tờ khai tới cơ quan BHXH đã chọn và chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân khi đến cơ quan BHXH (đã chọn trong tờ khai) để thực hiện bước xác minh tài khoản, thay vì phải tự in tờ khai như trước đây.

Bổ sung tiện ích “Mời cài đặt VssID” cho phép người dùng ứng dụng gửi tin nhắn với nội dung là đường dẫn để cài đặt VssID trên các kho ứng dụng của hệ điều hành AppStore và Google Play. Với tiện ích này, người dùng ứng dụng có thể dễ dàng mời bạn bè, người thân sử dụng VssID.

Ngoài bổ sung các tiện ích trên, phiên bản ứng dụng VssID – BHXH số mới bổ sung 01 dịch vụ công trực tuyến “Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin” dành cho cá nhân. Nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên ứng dụng lên 04 dịch vụ công (03 dịch vụ công đã cung cấp trước đó gồm: Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; Chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; Thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng BHXH).

Qua thống kê của BHXH Việt Nam, sau 6 tháng đưa vào sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số với nhiều tiện ích cho người dùng, đến hết ngày 16/05/2021, toàn quốc đã có hơn 6,44 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với hơn 5,6 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 22,18% so với tổng chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 818/KH-BHXH của BHXH Việt Nam.

Tra cứu thông tin qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm từ ngày 01/06/2021

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2021, Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng thống nhất trên toàn quốc và lưu trữ đầy đủ các thông tin được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân. Qua đó, giúp người tham gia bảo hiểm có thể tra cứu thông tin liên quan đến BHXH, BHYT nhanh nhất.

Theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, các cá nhân tham gia bảo hiểm được phép khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; đồng thời, cá nhân được trích xuất thông tin của mình, dữ liệu trích xuất được ký số bởi BHXH Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, ngoài các cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT đang áp dụng hiện nay là qua website của BHXH Việt Nam, qua việc gửi tin nhắn đến đầu số 8079 hoặc qua ứng dụng VssID, thì từ ngày 01/06/2021, người tham gia bảo hiểm còn có thêm một cách khác là tra cứu thông tin qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Cụ thể:

  • Về BHYT: Người tham gia bảo hiểm có thể tra cứu mã mức hưởng, loại đối tượng, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm hết hạn, thời điểm đủ 05 năm liên tục, quá trình đóng, hưởng BHYT.
  • Về BHXH: Người tham gia có thể tra cứu Mã số BHXH, phương thức đóng, quá trình đóng, hưởng BHXH.
  • Về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Người tham gia có thể tra cứu quá trình đóng, hưởng và thời gian đóng BHTN được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp các giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Nguồn: BKAV

Tin Tức Khác

13 March, 2024

Lợi ích khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp (cập nhật 2024)

Lợi ích khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh…

05 March, 2024

Lợi ích của phần mềm quản lý phân phối DMS

Giải pháp quản lý hệ thống phân phối DMS…

28 February, 2024

Social CRM là gì? Lợi ích và các bước triển khai Social CRM

Sau hơn 25 chính thức du nhập vào Việt…

05 February, 2024

Phần mềm quản lý nhân sự – Sự lựa chọn 4.0 cho doanh nghiệp

Quản lý nhân viên luôn là một thách thức…

29 January, 2024

Salesforce Experience Cloud: Chìa khoá để cải thiện Customer Loyalty

Tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua trải…

23 January, 2024

Cách triển khai Data Cloud cho ngành Tài chính – Ngân hàng hiệu quả?

Giải pháp Data Cloud cho ngành Tài chính – Ngân hàng…

08 January, 2024

Xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng hiệu quả

Tăng trải nghiệm khách hàng là một trong những…

04 January, 2024

Phần mềm quản lý kho ERP tổng thể cho các doanh nghiệp

Hiện nay, phần mềm quản lý kho ERP đã trở thành…

25 December, 2023

E-CRM – Công cụ hữu ích để quản lý quan hệ khách hàng điện tử

Khách hàng là tài sản quý giá nhất của…