10 Kỹ năng mềm cần thiết cho CEO doanh nghiệp chuyển đổi số
Ai mà nghĩ làm Sếp nhàn lắm thì nhầm to! Công việc bộn bề quanh các báo cáo, số liệu, nhân viên luôn miệng hỏi “Sếp ơi như này được chưa?”. Làm sếp là công việc đa-zi-năng, vừa KHÔNG ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG, lại phải LUÔN LUÔN HỌC HỎI. Kỹ năng chuyên môn phải có để quản lý, kỹ năng mềm thành thạo để xử lý các tình huống phát sinh. Bao nhiêu là việc đều dồn lên đôi vai “gầy”.
Làm CEO thời đại chuyển đổi số cần những kỹ năng mềm gì ?
HỢP TÁC LÀM VIỆC: CEO không phải là người cầm tay chỉ việc, kỹ năng hợp tác trong công việc giúp nhà quản trị liên kết được năng lực nhân viên với nhau, phát huy thế mạnh cá nhân để hoàn thành kết quả công việc tốt nhất. Một CEO có thể họ không là người giỏi nhất trong mỗi lĩnh vực nhưng họ sẽ cần là người có khả năng nhìn thấy điểm mạnh của từng cá nhân để kết hợp lại với nhau để hợp tác làm việc cùng có lợi.
QUẢN LÝ THỜI GIAN: Hàng tá giấy tờ cần xem, sổ sách cần ký, họp hành với nhân viên, thảo luận với đối tác là những tác vụ bủa vây xung quanh cuộc sống hằng ngày của một nhà lãnh đạo. Lúc này, nếu không quản lý được thời gian biểu, nhà quản trị sẽ “chết chìm” trong núi công việc. Công việc nào cần ưu tiên, dự án nào đã quá hạn, việc này khi nào cần xử lý, đâu là thời điểm vàng phát triển chiến lược đề ra – trăm ngàn câu hỏi xoay quanh tâm trí mỗi ngày. Quản lý thời gian giúp vừa làm việc khoa học lại đảm bảo sức khỏe bản thân không bị “đuối sức”.
LÃNG ĐẢO VÀ PHÁT TRIỂN: Điều hành doanh nghiệp giống như lèo lái con thuyền trên dòng nước xiết. Kỹ năng lãnh đạo giúp nhà quản trị vững tay lái trước những con sóng lớn của môi trường cạnh tranh. Không những thế, một CEO của thời đại số cần nhìn thấy những xu hướng đang diễn ra để nhanh chóng bắt kịp thị trường, từ đó doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển.
KỸ NĂNG GIAO TIẾP: Trao đổi – thảo luận – đàm phán là những tình huống giao tiếp mỗi ngày của các CEO với khách hàng – nhân viên – đối tác. Kỹ năng giao tiếp là chìa khóa để những cuộc nói chuyện diễn ra suôn sẻ. Cho dù có ý tưởng hay năng lực tốt đến đâu, nếu không có kỹ năng giao tiếp, không điều gì có thể đảm bảo việc truyền tải được rõ ràng và hiệu quả.
HAM HỌC HỎI: Quan sát và học hỏi những điểm sáng của các case-study thành công, đi tắt đón đầu những xu hướng của thế giới cũng như trong nước giúp nhà quản trị năng động hơn trong tư duy phát triển doanh nghiệp. Học hỏi là hành trình diễn ra mỗi ngày chứ không phải ngày một ngày hai – không học hỏi sẽ khiến doanh nghiệp cũng như cá nhân CEO nhanh chóng tụt hậu với môi trường xung quanh.
KHÔNG NGỮNG SÁNG TẠO: Điều làm lên dấu ấn của doanh nghiệp trên thị trường chính là sự sáng tạo. Sáng tạo không ngừng nghỉ thể hiện cá tính của người chủ doanh nghiệp cũng như những chiến lược hiệu quả. Những sản phẩm, dịch vụ đầy tính sáng tạo mang đến vị thế riêng cho doanh nghiệp trên thị trường. Một doanh nghiệp thành công không bao giờ là doanh nghiệp “đứng yên”, nó thành công bởi vì doanh nghiệp đó “chuyển động” theo thị trường.
LẮNG NGHE – THẤU HIỂU: Lắng nghe khách hàng muốn gì, nhân viên cần gì và thị trường đang thiếu những gì – 3 câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí nhà quản trị. Từ đó, nhà quản trị sẽ là người thấu hiểu những gì doanh nghiệp cần làm, cần triển khai để bắt kịp thị trường, hiểu tâm lý nhân viên. Một vòng xoay khách hàng – nhân viên – đối tác được cải thiện nhờ kỹ năng lắng nghe – thấu hiểu.
TƯ DUY PHẢN BIỆN: Những ý tưởng nảy ra trong đầu đầu tiên không chắc đã là những ý tưởng sáng tạo nhất. Những dự án được xây dựng hàng tháng trời không chắc đã khả quan ngay khi bắt tay thực hiện. Nhà quản trị doanh nghiệp luôn cần phân tích và đánh giá công việc, các chiến lược theo NHIỀU CHIỀU, nhiều tình huống và đặt ra nhiều giả định để tìm phương án tốt nhất. Tư duy phản biện không bao giờ cho phép họ không ngừng tìm hiểu sau đó là cải tiến và sáng tạo với những câu hỏi: có cách nào làm tốt hơn không? liệu hướng đi này có phù hợp với tình hình hiện tại không?…
TRUYỀN CẢM HỨNG: Một thái độ tích cực có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ đến văn hóa doanh nghiệp. Không ai muốn làm việc với một người sếp suốt ngày bi quan và tiêu cực đâu. Một nhà quản trị có kỹ năng truyền cảm hứng qua ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ cơ thể mang nguồn năng lượng tích cực khi làm việc với những người khác.
TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH: Là người đứng đầu doanh nghiệp, CEO có trách nhiệm đối với mọi hành động, sản phẩm, quyết định, chiến lược và chính sách của doanh nghiệp, giải trình nó là gì, làm rõ thông tin về các quyết định của mình trong các hoạt động, chiến lược công ty với các cơ quan có thẩm quyền khi có vấn đề phát sinh. Chính vì thế bất kỳ hành động, chiến lược nào của doanh nghiệp đều cần tìm hiểu, cân nhắc một cách thận trọng và kỹ lưỡng để tránh xảy ra sai sót.
? Làm CEO không hề nhàn, nhưng sẽ bớt gánh nặng đi rất nhiều khi có các kỹ năng mềm kể trên. Trong thời buổi ngày nay, một nhà CEO tài năng không chỉ cần kiến thức chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm mà hơn cả, những gì họ cần là người có kỹ năng mềm đa dạng và thật sự “đáng giá”. Điều này chính là chiếc chìa khóa dẫn dắt doanh nghiệp đến với cánh cửa sự thành công.