Hà Nội: 1900 636 585

TP Hồ Chí Minh: 1900 63 66 89

Đà Nẵng: 023 6222 9308

05 May, 2022

Giải quyết thách thức trong quản lý thuế đối với thương mại điện tử

Với nhiều đặc tính riêng có và phức tạp, lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ngay khi xuất hiện đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, trong đó có quản lý thuế (QLT). Thời gian vừa qua, cơ quan thuế các cấp đã có nhiều biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này, nhưng những thách thức dường như vẫn hiện hữu và thường xuyên thay đổi, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công tác QLT.

Đặc thù của TMĐT

Đặc thù đầu tiên của TMĐT khác với mô hình kinh doanh truyền thống là khi không cần có sự hiện diện vật chất về trụ sở làm việc và địa điểm sản xuất kinh doanh. Các cá nhân bán hàng online qua sàn TMĐT, hoặc mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Zalo… hay những tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ cung cấp phần mềm qua thư điện tử, hoặc các clip giải trí trên mạng xã hội cũng không cần phải có trụ sở vật chất cụ thể.

Tất nhiên, trong những điều kiện kinh doanh nhất định, các tổ chức kinh doanh TMĐT vẫn cần trụ sở giao dịch hoặc kho hàng. Đặc thù này cũng là thách thức đầu tiên cho công tác QLT đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, bởi lẽ về lý thuyết, muốn thu được thuế thì trước hết phải xác định được đối tượng nộp thuế với danh tính rõ ràng.

Đặc thù thứ hai là TMĐT sử dụng phương thức giao dịch thực hiện qua internet bằng thư điện tử và các mạng xã hội kết hợp với điện thoại di động. Tùy theo quy mô và tính chất giao dịch mà các chủ thể kinh doanh có thể sử dụng văn bản điện tử theo quy định của pháp luật, hoặc chỉ thỏa thuận bằng thông điệp điện tử.

Trường hợp người kinh doanh xóa lịch sử giao dịch, thì cần có giải pháp công nghệ để có thể khôi phục dữ liệu giao dịch đã bị xóa. Thêm vào đó, với hàng trăm triệu người gửi thông điệp điện tử và hàng ngàn loại thông tin được truyền đi trong mỗi giây, thì việc xác định những thông tin liên quan đến giao dịch TMĐT là một thách thức rất lớn cho công tác QLT.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đa dạng của các hình thức thanh toán gắn với sự bùng nổ của công nghệ, cả hoạt động kinh doanh truyền thống và TMĐT đều có rất nhiều lựa chọn. Thông thường, khi có giao dịch mua, bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ thì phải có hoạt động thanh toán từ người mua sang người bán.

Tuy nhiên, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán TMĐT là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch TMĐT, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau.

Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh TMĐT cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch TMĐT càng trở nên khó khăn.

Nhiều biện pháp chống thất thu thuế TMĐT

Trong những năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây, hành lang pháp lý cho QLT đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đã được xây dựng.

Theo đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động QLT đối với lĩnh vực kinh doanh này. Cụ thể, đã bổ sung nghĩa vụ phải đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong QLT đối với TMĐT.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu hoặc trực tiếp ban hành các văn bản pháp quy quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, trong đó, các nội dung về QLT đối với TMĐT đã được hướng dẫn rõ ràng và khả thi tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 105/2020/TT-BTC, Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 80/2021/TT-BTC và Thông tư 100/2021/TT-BTC.

Cùng với đó, vấn đề mấu chốt để QLT đối với TMĐT đã được hướng dẫn rõ ràng, như thủ tục đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh TMĐT không có cơ sở thường trú ở Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trong đăng ký, kê khai, nộp thuế; nghĩa vụ của tổ chức khi hợp tác với cá nhân kinh doanh TMĐT; nghĩa vụ của sàn giao dịch TMĐT khi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT…

Bên cạnh việc áp dụng các nghiệp vụ QLT thông thường, thời gian vừa qua, ngành tài chính đã triển khai các nghiệp vụ đặc thù để kiểm soát giao dịch TMĐT, như ban hành Quyết ́ định số 2146/QĐ BTC về Đề án QLT đối với hoạt động TMĐT. Trong đó, xác định rõ các nội dung, phương pháp và các biện pháp QLT đối với hoạt động TMĐT.

Theo đó, Bộ Tài chính triển khai ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực TMĐT; chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT.

Cơ quan thuế cũng đã tiến hành rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… để thông báo kê khai, nộp thuế; phối hợp với các ngân hàng thương mại truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Thực tiễn cho thấy, với những giải pháp đồng bộ mà cơ quan thuế các cấp đã triển khai, kết quả QLT đối với TMĐT ngày càng có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Theo thống kê, tổng số thuế do các DN Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài từ năm 2018 đến năm 2020 đã thực hiện kê khai, nộp thuế thay là 3.082 tỷ đồng, trong đó năm 2018 là 770,6 tỷ đồng; năm 2019 là 1.167,9 tỷ đồng; năm 2020 là 1.143,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook… là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.

Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple… tính đến hết tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.

Đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý

Thực tiễn kinh doanh và QLT cho thấy, tình trạng thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn xảy ra. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ đặc điểm vốn có của TMĐT, đặc biệt là các lĩnh vực rất đặc thù như các sản phẩm nội dung số cung cấp xuyên biên giới, các hoạt động kinh doanh của cá nhân thực hiện phương thức thanh toán COD…

Cần lưu ý rằng, quy mô và tốc độ tăng trưởng của TMĐT những năm gần đây là khá lớn, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Quy mô hoạt động TMĐT đã đạt khoảng 13,2 tỷ USD năm 2021, tức là khoảng trên 3 triệu tỷ đồng Việt Nam. Với quy mô như vậy, nếu không quản lý tốt thì khả năng thất thu thuế là không nhỏ.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả QLT đối với TMĐT cần tiếp tục hoàn thiện một số vấn đề sau. Trước hết, Luật Thuế TNDN của Việt Nam quy định cơ sở thường trú được xác định là một cơ sở sản xuất, kinh doanh mà qua đó DN nước ngoài thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ý tưởng tương tự như vậy cũng được quy định trong các hiệp định thuế song phương giữa Việt Nam và các nước. Cụm từ “cơ sở sản xuất, kinh doanh” cần được giải thích cụ thể gắn với một không gian cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng…

Điều này dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia hoạt động TMĐT và kinh doanh nội dung số sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, thời gian tới cần sửa đổi định nghĩa về cơ sở thường trú trong Luật Thuế TNDN.

Đồng thời, cần khẩn trương ký kết Hiệp định thuế đa phương để sửa đổi một số điều khoản của các hiệp định thuế song phương, trong đó có điều khoản về cơ sở thường trú. Một vấn đề khác là, cũng như các nước, thuế GTGT ở Việt Nam được đánh theo nguyên tắc điểm đến. Theo đó, đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc khi xác định đối tượng chịu thuế đối với một số sản phẩm vô hình và dịch vụ kỹ thuật số cung cấp trên mạng internet (trừ quảng cáo trên internet và đào tạo trực tuyến đã được quy định riêng). Điều này đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế GTGT bao quát hết những sản phẩm, dịch vụ phát sinh.

Thêm vào đó, về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về thủ tục kê khai, nộp thuế GTGT và các sắc thuế tiêu dùng theo hướng có thể tính và thu thuế tự động, gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế cho phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh tế số.

Hệ thống tự tính thuế hiện hành với kỳ khai thuế theo tháng/quý nên tiếp tục duy trì là hệ thống bổ trợ song hành với hệ thống tính thuế tự động. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả QLT đối với TMĐT, nhất thiết phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ.

Cụ thể, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm QLT đối với TMĐT. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào QLT đối với TMĐT.

Trong đó, công nghệ thông tin là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.

Tin Tức Khác

13 March, 2024

Lợi ích khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp (cập nhật 2024)

Lợi ích khi hộ kinh doanh chuyển lên doanh…

05 March, 2024

Lợi ích của phần mềm quản lý phân phối DMS

Giải pháp quản lý hệ thống phân phối DMS…

28 February, 2024

Social CRM là gì? Lợi ích và các bước triển khai Social CRM

Sau hơn 25 chính thức du nhập vào Việt…

05 February, 2024

Phần mềm quản lý nhân sự – Sự lựa chọn 4.0 cho doanh nghiệp

Quản lý nhân viên luôn là một thách thức…

29 January, 2024

Salesforce Experience Cloud: Chìa khoá để cải thiện Customer Loyalty

Tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua trải…

23 January, 2024

Cách triển khai Data Cloud cho ngành Tài chính – Ngân hàng hiệu quả?

Giải pháp Data Cloud cho ngành Tài chính – Ngân hàng…

08 January, 2024

Xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng hiệu quả

Tăng trải nghiệm khách hàng là một trong những…

04 January, 2024

Phần mềm quản lý kho ERP tổng thể cho các doanh nghiệp

Hiện nay, phần mềm quản lý kho ERP đã trở thành…

25 December, 2023

E-CRM – Công cụ hữu ích để quản lý quan hệ khách hàng điện tử

Khách hàng là tài sản quý giá nhất của…