Hà Nội: 1900 636 585

TP Hồ Chí Minh: 1900 63 66 89

Đà Nẵng: 023 6222 9308

12 February, 2023

23 CHIẾN LƯỢC GIÚP DOANH NGHIỆP “ĐỨNG VỮNG” GIỮA BÃO SUY THOÁI

Lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng, tắc nghẽn dòng tiền, biến động chuỗi cung ứng, tâm lý cẩn trọng của các nhà đầu tư,… đây đều là những dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế. Bạn đã có những chiến lược nào để bảo vệ doanh nghiệp của mình trước suy thoái? Tham khảo ngay 23 chiến lược trong bài viết sau đây.

Trong khi hơn 70.000 doanh nghiệp Việt phải đóng cửa trong năm 2021 dưới tác động tiêu cực từ Covid-19, một số doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng ổn định, thậm chí là phát triển hơn thời điểm trước dịch như các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Dược, Y tế, Điện, Lương thực & Thực phẩm,…

Điều làm nên sự khác biệt này là do những doanh nghiệp đó cung cấp các hàng dịch vụ thiết yếu, dù thu nhập sụt giảm nhưng người tiêu dùng vẫn có nhu cầu ổn định về những mặt hàng đó.

Nhưng cho dù doanh nghiệp của bạn không thuộc các nhóm ngành hàng thiết yếu, vẫn có một số chiến lược bạn có thể thực thi để giữ cho việc kinh doanh ổn định trong giai đoạn suy thoái. Dưới đây là danh sách 23 chiến lược, được chia ra làm 4 loại là Chiến lược chuẩn hóa, Chiến lược dự bị, Chiến lược nuôi dưỡng, Chiến lược đầu tư. Hãy cùng chúng tôi theo dõi.

CÁC CHIẾN LƯỢC CHUẨN HÓA DOANH NGHIỆP

Các chiến lược chuẩn hóa là các chiến lược loại bỏ các lỗi sai, lãng phí ra khỏi bộ máy; giúp bộ máy trở nên tinh gọn hơn, linh hoạt hơn, dễ cải tiến hơn trước những đổi thay trong suy thoái.

1.1. Lập kế hoạch tài chính

Tiền mặt luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Tiền mặt lại càng quan trọng hơn trong thời kỳ suy thoái, khi mà sức mua suy giảm và giá thành các nguyên liệu vật tư trở nên đắt đỏ. Việc lập kế hoạch tài chính là điều cần thiết để doanh nghiệp kiểm soát được những nguồn thu nguồn chi, làm chủ khả năng tài chính.

Hãy bắt đầu việc lập kế hoạch từ những khoản nhỏ như khấu hao vật tư, điện nước, chi phí công tác,… Để chúng vào một file Excel, hay một phần mềm quản lý dòng tiền, để dễ dàng quản lý, lưu trữ và cập nhật thường xuyên.

Cao hơn, bạn có thể tạo các dự báo lưu chuyển tiền tệ. Các dự báo sẽ được xây dựng dựa trên dữ liệu doanh nghiệp tổng hợp trong quá khứ. Dựa vào dự báo, đội ngũ có thể lên kế hoạch sử dụng hợp lý cho các chi phí trong tương lai. Doanh nghiệp cũng có thể nhận thấy những tín hiệu biến động trên thị trường tài chính từ việc phân tích các dự báo này.

1.2. Đánh giá và trau dồi nhân sự

Nhân viên là trái tim, là sức sống của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phải đối mặt với những biến động thị trường, nhân viên buộc phải hiệu suất hơn, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn để giúp doanh nghiệp đương đầu tốt với đổi thay. Đánh giá lại nhân sự và trau dồi cho họ những khả năng mới là một cách để thực hiện điều đó.

  • Đánh giá: Trước tiên hãy kiểm kê số lượng nhân viên và các vị trí/ chức năng của họ đối với tổ chức: Đâu là nhân viên giữ vị trí quan trọng, đâu là nhân viên có sự thể hiện tốt, đâu là nhân viên có sự thể hiện kém, vị trí nào không còn phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại.
  • Trau dồi: Từ bản đánh giá, doanh nghiệp lên kế hoạch quy hoạch nhân sự để bộ máy nhân sự tinh gọn nhất, có các chương trình đào tạo kỹ năng cần thiết cho nhân viên – những kỹ năng doanh nghiệp cần trong thời điểm suy thoái.

1.3. Hoạt động trong phạm vi ngân sách cụ thể

Quy định một ngân sách cụ thể và chỉ hoạt động trong phạm vi ngân sách đó, là một cách để tạo cho doanh nghiệp bản năng ứng phó trước suy thoái. Bởi một số cuộc suy thoái, chẳng hạn như cuộc suy thoái liên quan đến Covid19, có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo trước, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái sẵn sàng.

1.4. Điều chỉnh chỉ số KPI

Các KPI được đặt dựa trên mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái, các mục tiêu chiến lược sẽ thay đổi ít nhiều để phù hợp với bối cảnh, vậy nên theo đó các KPI cũng cần được điều chỉnh. Chỉ những KPI đạt, phù hợp với mục tiên chiến lược và mang lại hiệu quả cho tổ chức mới nên tiếp tục duy trì.

Để đánh giá KPI còn phù hợp với mục tiêu hay không, doanh nghiệp cần thực hiện sàng lọc các khía cạnh BSC của tổ chức. Cụ thể, các yếu tố về tầm nhìn, sứ mệnh, SWOT, môi trường,… cần được phân tích lại, cập nhật lại để ra mục chiến lược mới. Từ mục tiêu chiến lược mới, doanh nghiệp soi chiếu KPI nào đang phục vụ tốt mục tiêu thì duy trì, KPI nào không tạo ra ảnh hưởng đáng kể thì sửa đổi, KPI nào không mang lại lợi ích thì tiến hành loại bỏ.

1.5. Nhân cơ hội đánh bại đối thủ cạnh tranh

Suy thoái cũng là một cách để doanh nghiệp loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp không đủ sức trụ lại sẽ phải rời thị trường và nhường lại thị phần cho số còn lại. Nếu bạn tận dụng được thời điểm này và có những “cải cách thức thời”, doanh nghiệp của bạn có thể tìm “cơ” trong “nguy” và vươn lên dẫn đầu thị trường.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu về khách hàng, hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh. Từ đó tìm ra các lợi thế bán hàng độc nhất hay nỗi đau của khách hàng, nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ, các chiến dịch quảng cáo chiếm trọn trái tim khách hàng.

1.6. Kiên nhẫn

Một nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng, các doanh nghiệp gia đình quy mô vừa và lớn thường tăng trưởng ổn định trong suy thoái. Điều này được giải thích là do họ đã trải qua nhiều thăng trầm của chu kỳ kinh tế, những kinh nghiệm và hiểu biết tích lũy được đã giúp họ có một tâm thế bình tĩnh và kiên nhẫn hơn các doanh nghiệp khác. Và trong những tình huống cam go, sự bình tĩnh và kiên nhẫn sẽ đưa họ đến các quyết định sáng suốt.

CHIẾN LƯỢC DỰ BỊ

Các chiến lược dự bị giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt cho những mơ hồ, không chắc chắn, bất ổn có thể xảy ra trong suy thoái. Bởi như đợt suy thoái do Covid19, không ai dự liệu trước được những ảnh hưởng tiêu cực nó mang lại, và thực tế nhiều doanh nghiệp SMEs không đủ sức bền đã phải dừng cuộc chơi. Cách để trang bị cho doanh nghiệp một tư thế sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức chính là lên các chiến lược dự bị.

2.1. Hiểu rõ các lựa chọn thanh khoản của doanh nghiệp

Để tránh trường hợp “không có tiền” khi cần, doanh nghiệp cần nghiên cứu và bổ sung thêm các nguồn vốn tiềm năng. Hãy xem xét các khoản vay xoay vòng, chuyển nhượng chủ sở hữu, tài chính thay thế, vốn cổ phần tư nhân và các nguồn lực của chính phủ, bao gồm cả các khoản vay được hỗ trợ bởi Bộ và Cơ quan Nhà nước.

2.2. Tạo ra các quỹ khẩn cấp  

Các SMEs có thể sẽ khó khăn hơn doanh nghiệp lớn khi tiếp cận các nguồn tiền trên trường (vay tín dụng ngân hàng, quỹ đầu tư,…). Một giải pháp cho bạn là lập quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp không đơn thuần là một khoản tiết kiệm cho những chi phí phát sinh, nó còn đảm bảo khả năng chi trả cho những hoá đơn lớn ngoài kế hoạch.

Chuyên gia khuyến nghị định mức tối thiểu của quỹ khẩn cấp cho doanh nghiệp nên bằng 6 tháng các khoản chi cố định gồm: tiền lương nhân viên, hàng tồn kho, các tiện ích (điện nước, cơ sở vật chất,…).

2.3. Đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp

Hãy tự đánh giá xem tổ chức của bạn có thể xử lý bao nhiêu rủi ro, thái độ đối với rủi ro và mức độ rủi ro mà tổ chức sẵn sàng chấp nhận.

Doanh nghiệp sẽ cần đánh giá các nhà lãnh đạo, nhân viên và hệ thống của bạn; xác định mức độ thích ứng của họ và mức độ rủi ro họ có thể chấp nhận khi bị áp lực. Điều quan trọng là các đánh giá cần phải trung thực.

Dựa trên kết quả đánh giá, hãy xem xét mức độ rủi ro mà doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận. Từ đó doanh nghiệp tạo ra một phạm vi chịu đựng rủi ro, cùng với các số liệu để đo lường rủi ro đó.

2.4. Trả nợ 

Các khoản nợ và lãi đi kèm sẽ trở thành gánh nặng của doanh nghiệp trong thời điểm suy thoái, vì vậy càng không mắc nợ sẽ càng tốt cho doanh nghiệp. Ngoài ra, xử lý hết các khoản nợ cũng giúp công ty có được lượng vốn chủ động để sử dụng trong tương lai khi cần.

2.5. Cắt giảm chi phí

Chiến lược cắt giảm chi phí có thể là một chiến lược đầy thách thức, đặc biệt là với các chi phí sản phẩm; bởi việc duy trì chất lượng của sản phẩm là điều quan trọng trong thời kỳ suy thoái. Bất cứ điều gì bạn quyết định cắt giảm đều phải “ẩn” với khách hàng.

Bạn nên bắt đầu với chi phí lớn và xem có thể điều chỉnh gì để giảm chúng hay không. Chẳng hạn như tận dụng chiết khấu thanh toán sớm từ nhà cung cấp. Các ví dụ khác bao gồm tự động hóa các nhiệm vụ thủ công (ứng dụng công nghệ thay cho con người) và chuyển đổi cơ cấu lao động (từ nhân viên toàn thời gian sang nhân viên outsourcing/ hybrid /remote để giảm chi phí cơ sở vật chất) cũng có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí nhân công.

Ngoài ra, chi phí ẩn cũng là điều doanh nghiệp cần lưu tâm. Chi phí ẩn là những chi phí bỏ ra không tạo giá trị, thường xuất hiện nhiều trong quy trình vận hành và trong nhân sự. Lãng phí từ chi phí ẩn có thể không nhận thấy rõ trong thời điểm hiện tại, nhưng về lâu dài chúng sẽ trở thành những tảng đá đè nặng khiến doanh nghiệp vận hành chậm chạp.

2.6. Lập kế hoạch hành động trước khi hoạt động kinh doanh chậm lại

Kế hoạch hành động trước là các kịch bản ứng phó với suy thoái trước khi chúng thực sự xảy ra. Một kế hoạch hành động chu đáo có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót do căng thẳng và tránh đưa ra những quyết định sai lầm trong thời điểm cam go.

2.7. Giảm lượng hàng tồn kho

Hàng tồn kho chiếm dụng của doanh nghiệp một khoảng tài nguyên (chi phí quản lý, lưu trữ, vận hành hệ thống). Trong thời kỳ suy thoái, khi lượng hàng tồn kho tăng lên do suy giảm sức mua, doanh nghiệp có thể thất thoát nhiều chi phí. Chưa kể hàng tồn lưu trữ lâu ngày có thể lỗi thời, bị trộm cắp, hư hỏng.

Doanh nghiệp cần giảm lượng hàng tồn kho nhất có thể dựa trên duy trì sự cân bằng giữa việc chuyển đổi hàng tồn kho thành tiền mặt và kiểm soát số lượng đơn đặt hàng. Các hệ thống ERP có thể là một giải pháp trong bài toán này.

CHIẾN LƯỢC NUÔI DƯỠNG

Bản chất của chiến lược nuôi dưỡng là sự chuẩn bị về mọi mặt, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng và chủ động hành động khi suy thoái diễn ra. Nói cách khác, các chiến lược nuôi dưỡng giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn.

3.1. Tạo nhiều nguồn thu

Chiến lược này đòi hỏi những suy nghĩ đột phá giúp doanh nghiệp khai thác các nguồn thu mới, bằng cách tận dụng cơ sở vật chất hiện tại và không cần phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn. Dưới đây là một vài ví dụ tham khảo:

– Nếu bạn đang bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thì hãy cân nhắc xem bạn có thể bán thêm cho các khách hàng B2B không.

– Tăng độ phủ địa lý, tiếp cận thêm nhiều khách hàng ở các vùng miền khác bằng bán hàng trực tuyến.

– Tái sử dụng quy trình sản xuất của bạn cho một sản phẩm mới. Như một tiệm bánh có thể bắt đầu cung cấp bộ dụng cụ, nguyên liệu để khách hàng có thế tự làm bánh tại nhà trong các bữa tiệc.

3.2. Điều chỉnh sản phẩm

Doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm để làm cho chúng thu hút hơn trong mắt khách hàng. Các điều chỉnh có thể ở sản phẩm, cách thức phân phối, mức giá,… nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Ví dụ như cung cấp thêm các lựa chọn màu sắc/ kích cỡ sản phẩm, xoay vòng từ trang phục lễ hội sang quần áo mặc trong nhà, các lựa chọn ảo như ebook thay cho sách giấy,…

3.3. Đầu tư vào các mối quan hệ với khách hàng

Thấu hiểu khách hàng là điều tối quan trọng mọi điều kiện kinh tế. Hiểu được nhu cầu thay đổi của khách hàng giúp doanh nghiệp có thể thiết lập các chính sách linh hoạt theo nhu cầu, giúp tăng khách hàng, tăng dòng tiền vào cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.

Có thể kể đến như chính sách chính sách thanh toán đa hình thức quét mã/ ví điện tử/ thẻ atm/ tiền mặt của các cửa hàng giúp khách hàng thuận tiện hơn khi thanh toán,…

Hay trong trường hợp của H&M, khi tính bền vững ngày càng được quan tâm thì việc đổi cũ lấy mới là một cách bảo vệ môi trường, khiến cho khách hàng có hảo cảm về thương hiệu.

3.4. Lập chiến lược như thể bạn định bán doanh nghiệp của mình

Nhiều doanh nghiệp quá bị phụ thuộc vào người chủ chốt, thiếu họ thì doanh nghiệp khó có thể vận hành tốt. Tuy nhiên, lãnh đạo nên xây dựng doanh nghiệp của mình sao cho chúng có khả năng tự vận hành. Chiến lược này cho phép chủ doanh nghiệp “lái” thay vì “chèo lái” con thuyền, giúp lãnh đạo giảm bớt gánh nặng và tăng cường sức mạnh của doanh nghiệp trước sóng gió.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần thực hiện những công việc sau: Chuẩn hóa quy trình, tự động hóa vận hành qua áp dụng công nghệ, ủy quyền, đào tạo nhân viên khả năng tự làm chủ công việc.

3.5. Thu hẹp thị trường

Dù không thuộc những ngành hàng thiết yếu – những ngành hàng ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái, doanh nghiệp vẫn có thể tạo một “mức độ khan hiếm” với sản phẩm dịch vụ bằng cách thu hẹp lại thị trường. Thu hẹp thị trường là thay đổi sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu cụ thể hơn của người dùng, như thể đó là lựa chọn thiết yếu cho nhu cầu đó.

Ví dụ như thay vì một tiệm bánh đa năng, hãy trở thành một tiệm bánh không chứa gluten. Thay vì là một người môi giới bất động sản, hãy là một nhà tư vấn cho những người mua nhà lần đầu.

3.6. Đầu tư vào quan hệ đối tác chiến lược

Một số quan hệ đối tác chiến lược có thể giúp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp cần cẩn thận khi lựa chọn đối tác, nếu không may thì bạn có thể phải san sẻ miếng bánh thị phần vốn đã nhỏ cho một doanh nghiệp khác.

Các đối tác được lựa chọn nên giúp bạn tăng được giá trị cảm nhận cho sản phẩm của bạn; vì giá trị, chất lượng và độ bền luôn là những yếu tố khách hàng tìm kiếm trong các thời kỳ kinh tế khó khăn.

3.7. Điều chỉnh trục xoay

Các chiến lược điều chỉnh trục ít khi được lên kế hoạch trước mà thường chỉ bắt đầu khi thị trường thay đổi. Nó có thể là một chiến lược chống suy thoái kinh tế hoặc đơn giản là một cách để sống sót qua sự suy giảm trong một thị trường cụ thể.

Trong kinh doanh, điều chỉnh trục xoay có nghĩa là điều chỉnh lộ trình để gặp gỡ khách hàng tại nơi họ sẽ đến. Ví dụ như trong thời điểm giãn cách, dịch vụ ăn uống tại chỗ bị hạn chế, các nhà hàng đã thay đổi từ cung cấp trải nghiệm ăn sang trọng sang các bữa ăn đóng hộp tiện lợi để mang đi.

Chiến lược điều chỉnh trục xoay thành công đòi hỏi phải thật sự liên kết được với nhu cầu và hành vi của khách hàng, đủ để vượt qua định kiến cái cũ cái mới của khách hàng.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Các chiến lược đầu tư hướng doanh nghiệp đầu tư đúng và hiệu quả trong giai đoạn suy thoái kinh tế – giai đoạn các nguồn lực đều hạn chế và doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về những đánh đổi.

4.1. Đa dạng hóa danh mục đầu tư

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là chiến lược phân bổ vốn đầu tư vào nhiều quỹ khác nhau để giảm thiểu rủi ro, theo nguyên tắc “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Mặc dù đa dạng hóa danh mục đầu tư không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro nhưng cũng phần nào giảm bớt. Thực hiện chiến lược này cũng giúp chủ doanh nghiệp nhìn lại về những khoản đầu tư của mình, phân tích lợi tức từng khoản và có phương án điều chỉnh để tối ưu lợi nhất.

Các hình thức đa dạng hóa danh mục đầu tư bao gồm:

  • Mua cổ phiếu nhiều công ty khác nhau
  • Đa dạng hóa ngành
  • Đa dạng hóa tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, bất động sản, tài sản vật chất,…)
  • Đầu tư tích sản

4.2. Đừng bỏ qua các chiến dịch nuôi dưỡng khách hàng

Trọng tâm chính của việc chống suy thoái kinh tế là duy trì doanh thu, và điều quan trọng là doanh nghiệp phải không ngừng các nỗ lực tiếp thị sản phẩm dịch vụ đến khách hàng.

Với các khách hàng cũ có thể kế đến các chiến dịch dành cho khách hàng thân thiết, nhằm thu hút lại khách hàng trong quá khứ và duy trì lòng trung thành của họ. Ví dụ như các chương trình ưu đãi tri ân – giảm giá cho khách hàng từng mua.

Với các khách hàng mới, các chương trình khuyến mãi được nhắm mục tiêu, đặc biệt là những chương trình phù hợp với nỗi đau của khách hàng sẽ là lựa chọn phù hợp.

4.3. Đầu tư vào công nghệ 

Công nghệ có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ tự động hóa các công việc, tối ưu các quy trình hoạt động.

Tuy nhiên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn một giải pháp công nghệ nào đó. Vì chi phí đầu tư và thời gian để đội ngũ làm quen có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trong thời gian đầu. Hãy đảm bảo chi phí bỏ ra xứng đáng với những gì thu lại, thay vì thử nghiệm thất bại và tiếp tục bỏ thêm thời gian/chi phí để tìm hiểu các giải pháp công nghệ khác.

Lưu ý khi lựa chọn giải pháp công nghệ:

  • Nghiên cứu kỹ phần mềm trước khi áp dụng: xem chi phí bỏ ra và thời gian triển khai là bao nhiêu, có phù hợp với các nhu cầu của doanh nghiệp không,..
  • Triển khai nhanh gọn: khi đã chốt được phương án phù hợp thì doanh nghiệp cần triển khai càng nhanh càng tốt để tiết kiệm các nguồn lực, đảm bảo các hoạt động kinh doanh và cả tinh thần của nhân viên.

2023 sẽ tiếp tục là năm khó khăn của doanh nghiệp với nhiều dự báo của một cuộc suy thoái. Để vượt qua đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tốt, như đo lường và phân tích những sai sót tiềm ẩn và có chiến lược để khắc phục chúng kịp thời.

Trên hết, các chiến lược chống suy thoái cần được thực thi ngay trước khi suy thoái thực sự xảy ra. Doanh nghiệp hãy xem xét kỹ lưỡng 23 chiến lược trên đây và chọn ra những chiến lược phù hợp nhất để ứng dụng.

Nguồn: Basevn

Tin Tức Khác

19 August, 2024

4 CHỈ SỐ GIÚP DOANH NGHIỆP ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ TỰ ĐỘNG HÓA QUY TRÌNH

Tự động hóa đã dần chứng tỏ hiệu quả…

10 July, 2024

Những thống kê quan trọng về giải pháp ERP – Giải pháp Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp

Tại nhiều nước trên Thế giới, hầu hết các…

08 July, 2024

Data Warehouse là gì? Sự phát triển của giải pháp này trong tương lai

Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay,…

02 July, 2024

Quy mô thị trường là gì? Các bước chuẩn để xác định quy mô thị trường

Quy mô thị trường (market size) giúp doanh nghiệp có…

20 June, 2024

Quản lý kho bằng mã vạch & Những lợi ích khi ứng dụng thực tế

Mã vạch là một dạng mã hóa thông tin…

13 June, 2024

5 Xu hướng CRM 2024 Doanh Nghiệp không thể bỏ qua!

Năm 2024, các xu hướng CRM sẽ tập trung vào việc…

13 May, 2024

Kỹ thuật quản lý hàng tồn kho hiệu quả năm 2024

Bối cảnh thị trường kinh doanh hiện tại yêu…

09 May, 2024

3 Mô hình quản trị giúp điều hành và phát triển doanh nghiệp hiệu quả nhất

Doanh nghiệp được quản trị, định vị tốt như…