Chuỗi cung ứng toàn cầu ứng phó với dịch Corona như thế nào
Trước thực trạng dịch Corona đang lây lan nhanh chóng và vượt quá sự bùng phát của dịch SARS năm 2003, các nhà quản trị trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cần tính đến phương án giảm thiểu sự gián đoạn và ngay lập tức lên kế hoạch đối phó với những sự cố có thể xảy ra trong tương lai.
Ngày 31/12/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã biết về một số trường hợp viêm phổi nặng ở Vũ Hán, Trung Quốc bị gây ra bởi chủng vi rút Corona mới (Covid-19). Kể từ đó, dịch bệnh này đã lan ra nhiều tỉnh của Trung Quốc cũng như các nước khác.
Đến ngày 31/1/2020, WHO đã tuyên bố dịch bệnh do Covid-19 đang xảy ra tại Trung Quốc và các trường hợp mắc vi rút này tại nhiều quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Với tình hình cấp bách trên, buộc các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng phải đánh giá và lên kế hoạch về việc Corona tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào.
Thách thức của toàn cầu hóa trước dịch Corona
Mặc dù ổ dịch đang được so sánh với dịch SARS năm 2003, nhưng hiện tại bối cảnh của Trung Quốc đã khác rất nhiều. Hiện nay, Trung Quốc phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. So với 17 năm trước, quốc gia này đã cải thiện đáng kể mạng lưới giao thông, đặc biệt là vận tải đường hàng không và đường biển. Điều này có nghĩa việc tác động của chuỗi cung ứng sẽ vượt ra ngoài mối quan tâm khu vực.
Thiếu hụt lao động, vận chuyển bị hạn chế và vật liệu cũng như các khó khăn về logistics do bị kiểm soát chặt chẽ, các trung tâm vận chuyển và biên giới bị đóng cửa khiến hàng hóa phải xếp tầng chờ thông quan. Như vậy, tác động ảnh hưởng từ dịch Corona lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS năm 2003.
Những ảnh hưởng đến chuổi cung ứng do Corona gây ra
Dù chưa thể có được những con số chính xác về hậu quả của dịch Corona gây ra, nhưng các tổ chức đã bắt đầu thấy những tác động của nó đối với toàn chuỗi cung ứng, bao gồm:
Nguyên vật liệu: Tình trạng thiếu nguyên vật liệu, thành phẩm đến hoặc được chuyển qua các trung tâm logistics đặt tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Lao động: Thiếu hụt cả lao động tri thức lẫn chân tay do kiểm dịch hoặc bệnh tật.
Logistics: Việc tìm các tuyến đường và phương tiện giao thông thay thế sẽ trở nên khó khăn. Các trung tâm và mạng lưới cung ứng có thể gặp phải hạn chế về năng lực và tính sẵn có.
Người tiêu dùng: Người tiêu dùng đang tỏ ra thận trọng hơn khi mua hàng vì những lo ngại khi tiếp xúc với người khác có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm Corona. Nhiều đơn vị đã bắt đầu quan tâm, dịch chuyển sang bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm mạng lưới logistics đứng trước nhiều thách thức hơn.
Chuẩn bị chuỗi cung ứng nếu bị gián đoạn
Khi sự gián đoạn xảy ra, các tổ chức kinh tế dựa trên chuỗi cung ứng sẽ sử dụng những quy trình quản lý rủi ro nâng cao gồm nhiều hệ thống như: liên tục đo lường những chỉ số rủi ro chính, sau đó chuẩn bị các kịch bản đối phó với bất ổn nhằm kiểm soát các yếu tố về tài chính, nguồn lao động, nguyên vật liệu và năng suất.
Tác động của dịch Corona làm chuỗi cung ứng thiếu khả năng tiếp cận nguồn nhân lực, giảm năng suất và tạo ra sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Và, dù cho trong vài tháng tới hoặc lâu hơn, ta chưa thấy được tác động đầy đủ của dịch Corona đối với chuỗi cung ứng, nhưng ngay từ bây giờ các nhà lãnh đạo nên thực hiện những giải pháp ban đầu để có thể đối phó hiệu quả với mọi sự ảnh hưởng tác động đến chuỗi giá trị.
Giải pháp mà các chuyên gia trong ngành gợi ý là một kịch bản với 03 bước hành động:
Hành động ngắn hạn
Thực hiện ngay các chương trình giám sát và ứng phó tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Corona (tập trung xác định rủi ro để đưa ra giải pháp kinh doanh phù hợp). Tiếp đến là đảm bảo tất cả hàng tồn kho nằm trong tầm tiếp cận, được kiểm soát hoặc bên ngoài các khu vực và các trung tâm logistics bị ảnh hưởng.
Các nhà quản trị chuỗi cung ứng nên làm việc với bộ phận pháp lý, bộ phận nhân sự của DN để hiểu rõ tác động tài chính nếu không thể cung cấp hàng hóa cho khách hàng vì dịch, đồng thời hướng dẫn nhân viên ở các khu vực bị ảnh hưởng về phương án ứng phó.
Hành động trung hạn
Ở bước này, cần tập trung cân bằng cung cầu cũng như xây dựng kho đệm, rồi đánh giá cơ hội để đa dạng hóa nhà cung cấp. Tiếp theo, làm việc với các bên liên quan và các nhà cung cấp chiến lược. Quan trọng nhất là thiết lập phương pháp quản lý rủi ro phù hợp để giám sát và chuẩn bị cho tình trạng thiếu nguyên vật liệu và năng lực sản xuất.
Hành động dài hạn
Một khi tác động ban đầu của dịch Corona giảm thiểu, việc tiếp theo là có những kế hoạch dài hạn để giải quyết hậu quả của nó với chuỗi cung ứng. Đây chính là thời điểm để tìm kiếm và phát triển các nguồn thay thế và đa dạng hóa chuỗi giá trị, chuẩn bị trước các kịch bản đối phó với rủi ro tương tự có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, cần giải quyết nguồn cung chiến lược và tập trung vào các nguồn cung có giá trị gặp rủi ro. Đồng thời đảm bảo nguồn thay thế, tuyến đường vận chuyển hay hàng tồn kho và dự trữ tài chính bằng tiền mặt đủ để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào trong thời gian tiếp theo.
Nguồn: Danh nhân Sài Gòn